Từ ngày cưới nhau về, anh cứ nằng nặc kiểm tra tin nhắn, sổ tay, nhật kí của vợ vì cho rằng chị đã là của anh, mọi thứ thuộc về chị đều là của anh..
Mặc dù cưới nhau được sáu năm và có với nhau hai mặt con nhưng anh Hoà chồng chị Nhật (Q3. TP. HCM) vẫn cứ khư khư giữ tiền lương hàng tháng của mình và vợ với lí do rằng anh là đàn ông, là trụ cột gia đình , mọi thứ phải do anh quyết định tính toán.
Trong nhà, từ các khoản chi tiêu lớn nhỏ chị đều không được tự tay quyết định mà lúc nào cũng phải đợi anh cho phép và chi tiền. Sợ chị đem tiền về cho nhà mẹ, ngay cả tiền điện tiền nước hàng tháng anh cũng không cho chị “ngó ngàng” tới mà tự tay anh thanh toán cho nhân viên thu tiền. Mỗi ngày, trước khi anh đi làm, anh rút ví đưa cho chị vừa khít tiền đi chợ, hôm nào chị “tới tháng” muốn mua đồ cá nhân thì phải nói anh trước chứ không thì đành chạy sang hàng xóm vay mượn.
Có lần mẹ chị ốm, chị giấu anh biếu mẹ ít tiền mua thuốc thì bị anh đánh tơi tả vì tội dám qua mặt chồng. Nhiều lần chị chán nản, đau khổ dắt con bỏ về nhà ngoại nhưng anh lại đến dỗ ngọt năn nỉ, xin lỗi để chị về nhưng về rồi thì chuyện đâu vẫn hoàn đấy, chỉ hai ba ngày sau anh lại như cũ, chị đành ngậm đắng nuốt cay chịu đựng để nuôi dạy con cái.
Cũng rơi vào hoàn cảnh có chồng thích nắm quyền, chị Hà nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông tại TP. HCM cho biết, chồng chị chẳng những gia trưởng, thích nắm quyền trong mọi việc gia đình, mà đến ngay cả việc dạy con anh cũng cho mình cái quyền quán triệt nốt.
Từ ngày chị sinh bé Hà Anh, chưa bao giờ được phép xen vào việc dạy dỗ con điều gì. Nhiều hôm nói với chồng rằng con là bé gái, rất cần mẹ chia sẻ tâm sự, anh đều gạt ngang “đàn bà con gái, biết gì mà dạy!” . Muốn nói điều gì với con chị phải thì thụt, nếu bị chồng bắt gặp là ngay lập tức chồng chồng chị trừng mắt: “Con hư tại mẹ. Cô lại mào đầu gì cho nó?!...” rồi anh lại thủ thỉ với con rằng: “Con không được nghe lời mẹ vì mẹ toàn dạy điều sai” . Nhiều lần chị uất lắm vì con gái ngày càng tỏ thái độ lạnh lùng với mẹ nhưng để giữ cho yên nhà yên cửa, chị chỉ biết nhịn nhục và tranh thủ lúc không có anh mà tâm sự, chỉ bảo con để con không bị thiếu hụt sự quan tâm của người mẹ.
Còn anh Dũng, chồng chị Bảo, bình thường không có hành vi hay cử chỉ gì tỏ ra là một người gia trưởng, nhưng ngặt nỗi anh lại thích xen vào những chuyện riêng tư của vợ. Từ ngày cưới nhau về, anh cứ nằng nặc kiểm tra tin nhắn, sổ tay, nhật kí của vợ vì cho rằng chị đã là của anh, mọi thứ thuộc về chị đều là của anh, anh được quyền xem xét mọi thứ. Bởi thế, vừa cưới nhay xong, từ tin nhắn điện thoại đến tin nhắn yahoo, email của chị anh đều phải “duyệt” ngày một, nick yahoo của chị thì phải luôn để ở chế độ lưu lại tin nhắn. Có nick lạ, số lạ gửi tới là anh lại tra hỏi chị là ai, bao giờ?!
Nhiều lần chị định tổ chức sinh nhật, tiệc tùng bí mật cho anh nhưng vì tính thích nắm quyền riêng tư của vợ nên anh đều biết hết, công sức chỉ bỏ ra như công cốc khi lúc nào anh cũng với vẻ mặt thản nhiên, biết tất của mình bước vào bàn tiệc. Có lần, vô tình chị than thở với cô bạn thân về công việc, chồng con thì bị anh phát hiện, sau đó anh quát um lên rằng chị nhiều chuyện, than vãn, nói xấu chồng và nhà chồng với người này người kia. Mọi chuyện dần dà đến tai mẹ chồng, từ đó mỗi lần trông thấy con dâu là bà như thấy cái gai trước mắt. Chị than thở: “Biết lấy chồng mà mất hết tự do thế này thì ở vậy cho xong”.